Diễn biến tiếp theo của chiến dịch Chiến_dịch_Mãn_Châu_(1945)

Hoạt động của các đội đổ bộ đường không Liên Xô

Binh sĩ hải quân Liên Xô tại cảng Port-Artur (Lữ Thuận), tháng 10 năm 1945

Từ ngày 19 tháng 8, Đạo quân Quan Đông lúc này đã bị cắt làm nhiều mảnh trên khắp Mãn Châu đã bắt đầu ra hàng. Nhằm đẩy nhanh quá trình đầu hàng của Đạo quân Quan Đông, bảo vệ các tài sản, công trình có giá trị, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Liên Xô tại Viễn Đông quyết định sử dụng các đội đổ bộ đường không chiếm giữ các mục tiêu quan trọng tại Cáp Nhĩ Tân, Thẩm Dương, Trường Xuân, Cát Lâm, Đại Liên, cảng Lữ Thuận, Bình Nhưỡng. Chỉ huy các đội đổ bộ cũng được ủy quyền đàm phán sơ bộ về cách đầu hàng của quân đội Nhật Bản tại từng thành phố, tập hợp tình hình và báo cáo để Hội đồng Quân sự các Phương diện quân quyết định.[12]

Lúc 17 giờ chiều ngày 18 tháng 8, đội đổ bộ đường không đầu tiên gồm 120 quân nhân do Trung tá A. G. Zabelin chỉ huy đáp máy bay từ Khorol đi Cáp Nhĩ Tân với nhiệm vụ chiếm giữ sân bay và các cây cầu qua sông Tùng Hoa chờ chủ lực Phương diện quân Viễn Đông 1, đồng thời tìm kiếm và bảo vệ Ngoại giao đoàn của Liên Xô trong Lãnh sự quán[12]. Riêng Thiếu tướng G. A. Shelekhov, Phó Tham mưu trưởng Phương diện quân Viễn Đông 1, được uỷ nhiệm trao cho Bộ Chỉ huy Quân đội Nhật Bản tại Cáp Nhĩ Tân một tối hậu thư. Nhận được tối hậu thư buổi chiều, thì lúc 23 giờ, Trung tướng Uemura Mikio Tư lệnh Tập đoàn quân độc lập 4 (Nhật Bản) gửi văn bản chấp thuận đầu hàng kèm theo danh sách tướng lĩnh, sĩ quan trong khu vực Cáp Nhĩ Tân.[123]

Sáng 19 tháng 8, một máy bay Il-4 được 5 chiếc Yak-3 hộ tống chở theo 4 sĩ quan và 6 binh sĩ do Đại tá Đặc mệnh A. I. Aktemenko chỉ huy bay tới Trường Xuân. Các máy bay tiêm kích Liên Xô đã khống chế không phận sân bay yểm hộ cho chiếc IL-4 hạ cánh an toàn. Đại tá A. I. Aktemenko được đưa thẳng đến Tổng Hành dinh lúc Đại tướng Yamada Otozō cùng với các sĩ quan thuộc cấp đang chờ sẵn. Sau khi đã nghe rõ các điều kiện đầu hàng, Đại tướng Yamada Otozō tháo kiếm trao cho Đại tá A. I. Aktemenko và cùng với Thủ tướng Mãn Châu Quốc Trương Cảnh Huệ ký vào biên bản đầu hàng sơ bộ sau đó.[124] Trong khi đó, một đội đặc nhiệm nữa của Thiếu tá P. N. Avramenko đã đổ bộ tiếp xuống sân bay Trường Xuân, chiếm các vị trí quan trọng và tước vũ khí của quân nhân Nhật Bản tại đây. Tối ngày 19 tháng 8, cờ Nhật Bản trên nóc Tổng Hành dinh Đạo quân Quan Đông bị hạ xuống, cờ Liên Xô được treo lên. Theo tục lệ Nhật Bản, Đại tướng Yamada Otozō bố trí cháu trai đứng gác trước ngôi nhà mà Đại tá A. I. Aktemenko nghỉ lại như một sự bảo đảm an ninh tuyệt đối.[12]

Buổi chiều cùng ngày, đội đổ bộ đường không thứ 3 dưới quyền Thiếu tướng Đặc mệnh A. D. Pritula gồm 225 quân nhân thuộc Tập đoàn quân Xe tăng Cận vệ 6 hạ cánh xuống sân bay Thẩm Dương. Tại đây, một Giám binh Nhật Bản và đại diện của Hoàng đế Phổ Nghi đã ra đón các sĩ quan Liên Xô. Ban đầu, với lý do bảo đảm an toàn cho bản thân, Hoàng đế Phổ Nghi đề nghị phía Liên Xô giam ông ta lại. Tuy nhiên, Nguyên soái A. M. Vasilevsky đã chỉ đạo các đơn vị dưới quyền phải đối đãi với tù binh theo công ước Genève, riêng Phổ Nghi là ngoại lệ và phải được bảo vệ và chăm sóc chu đáo.[125]

Chiến sự ở Nam Sakhalin

Chiến dịch tại Nam Sakhalin - Quần đảo Kuril.

Chiến dịch tấn công Nam Sakhalin và quần đảo Kuril được thực hiện bởi Quân đoàn 56 thuộc Tập đoàn quân 16 của Phương diện quân Viễn Đông 2 phối hợp với Chi hạm đội Bắc Thái Bình Dương (Liên Xô) cùng 2 sư đoàn Không quân. Tại phía Nam Sakhalin, Quân đội Nhật Bản có 2 cụm đề kháng mạnh được phòng thủ bởi Sư đoàn 88 và một số đơn vị tăng cường với tổng quân số khoảng 20.000 người[126].

Cuộc tấn công bắt đầu vào ngày 11 tháng 8 năm 1945. Dưới sự che chở của sương mù và rừng rậm, các tiểu đoàn đã thâm nhập cô lập các cứ điểm ngoại biên thành công. Sáng hôm sau, sau khi đè bẹp các cứ điểm này bằng các mũi đột kích từ nhiều phía, Quân đội Liên Xô đã xâm nhập vào trung tâm của cụm đề kháng[126].

Mũi tiến công dọc theo bờ sông Poronai vấp phải kháng cự kiên cường của Nhật Bản. Trong đêm 14 tháng 8, Quân đội Liên Xô bí mật vượt qua vùng đầm lầy, bất ngờ tập kích Koton, một đầu mối quan trọng trong đai phòng thủ Nhật Bản. Đến cuối ngày 17 tháng 8, Quân đoàn 56 đã thành công trong việc chia tách hệ thống phòng ngự của Quân đội Nhật Bản thành những cứ điểm độc lập; đè bẹp hoặc bức hàng các cứ điểm này vào hôm sau[126]. Cũng trong thời gian này, Chi hạm đội Bắc Thái Bình Dương đã đổ bộ thành công hai tiểu đoàn trên bờ biển phía Nam Tōro[127], giữ sườn cho Quân đoàn 56 thẳng tiến về phía Nam Sakhalin và chiếm Toyohara vào ngày 25 tháng 8.

Sang ngày 19 tháng 8 Chính phủ Nhật Bản công bố việc đầu hàng vô điều kiện, nhưng Lữ đoàn Bộ binh 113 cùng các đơn vị tăng cường đổ bộ lên cảng Maoka vẫn bị kháng cự. Mặc dù Maoka bị chiếm vào buổi chiều cùng ngày, nhưng chiến sự vẫn tiếp diễn cho đến ngày 25 tháng 8, khi 18.320 quân Nhật chấp thuận đầu hàng[127]. Trong cùng khoảng thời gian, một đơn vị của Lữ đoàn 113 được đổ bộ lên cảng Otomari, tiếp nhận đầu hàng của Quân đội Nhật Bản đồn trú ở đây.

Chiến dịch đổ bộ lên Quần đảo Kuril

Hạm đội Thái Bình Dương (Liên Xô) triển khai đổ bộ lên quần đảo Kurin và ven biển Bắc Triều Tiên

Nhiệm vụ đổ bộ chiếm đóng các đảo Bắc và Trung Kuril được giao cho Quân khu Kamchatka và lực lượng Hải quân tại Petropavlovsk. Hoạt động đổ bộ được tiến hành trong những điều kiện khó khăn do thời gian chuẩn bị chỉ có 2 ngày. Trong khi đó, quần đảo được phòng thủ bởi trên 80.000 quân Nhật Bản, vững chắc nhất là đảo Shimushu gần bán đảo Kamchatka[127].

Ý đồ của chiến dịch là chiếm Shimushu làm đầu cầu cho các cuộc đổ bộ tiếp theo sau lên các đảo Paramushiru và Onekotan[128]. Ngày 18 tháng 8, sau một đợt bắn phá vào Bắc Shimushu như thường lệ (vốn được tiến hành thường xuyên nhiều ngày trước đó) bởi các khẩu đội pháo duyên hải tại mũi Lopatka ở cực Nam bán đảo Kamchatka, tàu đổ bộ được che phủ bởi sương mù dày đặc đã tiếp cận hòn đảo. Lực lượng phòng thủ trên đảo bị bất ngờ; hai tuyến phòng ngự dọc bờ biển bị chiếm trong hành tiến[128], tuy nhiên, vẫn tiếp tục tổ chức kháng cự cho đến khi Đại Bản doanh Quân đội Nhật Bản ra lệnh buông vũ khí. Ngày 21 tháng 8, đảo Shimushu và Paramushiru đã nằm trong tay Quân đội Liên Xô[129].

Sau khi lệnh đầu hàng được công bố, Quân đội Nhật Bản trên các đảo còn lại đều không kháng cự, chỉ chờ các đội đổ bộ của Liên Xô đến và giao nộp vũ khí. Do đó, Quân đội Liên Xô lần lượt tiếp nhận đầu hàng ở các đảo: Onekotan và Shasukotan vào ngày 24 tháng 8, Matsuwa và ngày 26 tháng 8, Shimushiru ngày 28 tháng 8, Uruppu ngày 31 tháng 8[128]. Phần Nam của quần đảo Kuril do Quân đoàn 87 từ Nam Sakhalin đổ bộ tiếp quản: đảo Etorofu vào ngày 28 tháng 8, Kunashiri vào ngày 1 tháng 9. Sau khi Đế quốc Nhật Bản chính thức đầu hàng, Quân đội Liên Xô còn tiếp tục đổ bộ lên nhóm đảo đá Habomai và chỉ hoàn tất vào ngày 5 tháng 9[130].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Mãn_Châu_(1945) http://www.chinadaily.com.cn/en/doc/2003-10/17/con... http://foreignpolicy.com/2013/05/30/the-bomb-didnt... http://ww2db.com/photo.php?source=all&color=all&li... http://usacac.army.mil/cac2/cgsc/carl/download/csi... http://kiuchi.jpn.org/vn/nobindex.htm //www.worldcat.org/issn/0195-3451 http://militera.lib.ru/h/shihsov_av/10.html http://militera.lib.ru/memo/other/akiyama_h/index.... http://rkka.ru/maps/tv25.gif http://www.sakhalin.ru/Region/WORLDWAR2/KotonMap.h...